Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và 09 Luật khác vừa được Quốc hội thông qua

Sáng 10/7/2020, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 10 luật đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, trong đó có Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan chủ trì soạn thảo.

hừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 10 Luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 gồm: Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Thanh niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Tại buổi họp báo, đại diện các Bộ, Ngành có liên quan thông tin thêm về những điểm mới trong các Luật mới được ban hành.

Đại diện Tòa án nhân dân tối cao, đồng chí Tống Anh Hào - Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Theo đó, Luật gồm 04 chương, 42 điều, quy định về nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với hoạt động hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại, công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Điều 3 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định 09 nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trong đó nguyên tắc tự nguyện, nguyên tắc bảo mật thông tin và nguyên tắc linh hoạt trong phương thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án là 03 nguyên tắc cơ bản nhất.

Chính sách của Nhà nước trong Luật này là khuyến khích các bên giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính bằng hình thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án; khuyến khích những người đủ điều kiện theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án làm Hòa giải viên; tạo điều kiện, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Đáng chú ý, để khuyến khích hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Nhà nước bảo đảm kinh phí hòa giải, đối thoại từ ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do ngân sách Nhà nước bảo đảm, trừ các trường hợp sau đây thì chi phí hòa giải, đối thoại do các bên tham gia hòa giải, đối thoại chịu: (i) Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; (ii) Chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở; (iii) Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài.

Hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án là hoạt động gắn với Tòa án, do Tòa án nhân dân tổ chức thực hiện. Do vậy, Luật này quy định cụ thể trách nhiệm của Tòa án, gồm: (i) Tổ chức, quản lý hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật, gồm: Chỉ định, hỗ trợ, hướng dẫn Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại; đánh giá, nhận xét kết quả hoạt động của Hòa giải viên; bố trí địa điểm, trang thiết bị và điều kiện bảo đảm khác cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đề xuất, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của pháp luật,…; (ii) Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, xóa tên Hòa giải viên; cấp, thu hồi thẻ Hòa giải viên; khen thưởng và xử lý vi phạm trong hoạt động hòa giải, đối thoại; (iii) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại cho Hòa giải viên; (iv) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này.

Một trong những chính sách được thể chế tại Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là thu hút, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Các điều kiện cần và đủ để được bổ nhiệm làm Hòa giải viên được quy định tại Điều 10 của Luật này.

Phương thức hòa giải, đối thoại linh hoạt là một đặc điểm nổi bật của cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, việc tiến hành hòa giải, đối thoại không bị gò bó theo trình tự, thủ tục chặt chẽ như quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính mà người Thẩm phán phải tuân theo khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong tố tụng. Trong quá trình hòa giải, Hòa giải viên được điều chỉnh các phương pháp, thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải phù hợp với điều kiện của các bên, nhằm đạt được kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Theo Thẩm phán Tống Anh Hào, Luật này được ban hành xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, từ ý nghĩa, tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng về đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thông qua việc xây dựng cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đồng thời, học tập kinh nghiệm của một số quốc gia đã triển khai thành công mô hình này. Tòa án nhân dân tối cao đang khẩn trương chuẩn bị các công việc cần thiết nhằm triển khai thi hành Luật, các hoạt động sẽ phải triển khai như: tổ chức tập huấn; tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật; xây dựng văn bản quy định chi tiết… Luật này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.